Để đảm bảo hoạt động của Ngân hàng Nhà nước với chức năng quản lý Nhà nước như là một đơn vị hành chính sự nghiệp và hoạt động nghiệp vụ của Ngân hàng Trung ương, các khoản chi của Ngân hàng Nhà nước khá phong phú. Xét về mục đích và nội dung kinh tế có thể xếp các khoản chi của Ngân hàng Nhà nước vào một số nhóm:
– Chi hoạt động nghiệp vụ và dịch vụ ngân hàng:
+ Chi trả lãi tiền gửi, trả lãi tiền vay, chi về nghiệp vụ mua, bán và giao dịch ngoại hối, chi về nghiệp vụ thị trường mở.
+ Chi phí in, đúc, bảo quản, vận chuyển, phát hành, tiêu huỷ tiền; chi về dịch vụ thanh toán và thông tin.
– Chi cho cán bộ, công chức Ngân hàng Nhà nước, nhân viên hợp đồng và chi khen thưởng, phúc lợi…
– Chi cho hoạt động quản lý và công vụ, gồm: Chi vật tư văn phòng, chi cước phí bưu điện, chi điện nước, y tế, vệ sinh cơ quan, chi công tác phi, chi lễ tân, khánh tiết, chi đào tạo, nghiên cứu khoa học…
– Chi về tài sản: Trích khấu hao TSCĐ, chi mua sắm công cụ lao đông, chi bảo dưỡng và sửa chữa tài sản, chi xây dựng nhỏ, chi thuê tài sản.
– Chi đầu tư phát triển kỹ thuật nghiệp vụ và công nghệ ngân hàng. Khoản chi này bằng 12% giá trị TSCĐ bình quân trong năm.
– Chi lập dự phòng rủi ro. Khoản chi này bằng 10% tổng thu trừ đi các khoản chi chưa bao gồm khoản chi dự phòng rủi ro.
– Các khoản chi khác ngoài các khoản chi trên.
Các khoản chi phí của Ngân hàng Nhà nước có liên quan đến việc chấp hành chế độ tài chính của Nhà nước và của ngành ngân hàng nên các chứng từ chi trước khi thực hiện phải được kiểm soát một cách kỹ càng nhằm đảm bảo chi đúng chế độ, đúng dự toán được duyệt.
1. Kế toán chi trả lãi tiền gửi
Chi trả lãi tiền gửi của Ngân hàng Nhà nước gồm trả lãi tiền gửi của các tổ chức tín dụng và kho bạc trong nước, trả lãi cho các tổ chức tài chính nước ngoài gửi tiền tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Trích trả lãi tiền gửi được thực hiện hàng tháng theo phương pháp tích số. Vào ngày cuối tháng, kế toán tại sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước lập bảng kê số dư để tính lãi trong tháng cho tất cả các tài khoản tiền gửi. Dùng bảng kê tính lãi làm chứng từ, hạch toán:
Nợ: TK chi phí – chi trả lãi tiền gửi
Có: TK thích hợp (TK tiền gửi của đơn vị gửi tiền hoặc TK tiền mặt)
2. Kế toán chi trả lãi tiền vay
Ngân hàng Nhà nước đi vay chủ yếu vay của các tổ chức tài chính quốc tế hoặc ngân hàng nước ngoài, do vậy khoản trả lãi tiền vay cũng chủ yếu trả cho các tổ chức này. Ngoài ra còn trả lãi tín phiếu Ngân hàng Nhà nước phát hành.
Việc hạch toán trả lãi tiền vay của Ngân hàng Nhà nước phụ thuộc vào cách thu lãi của tổ chức tài chính quốc tế và ngân hàng nước ngoài.
Khi nhận được thông báo thu lãi, kế toán sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước lập chứng từ, ghi:
Nợ: TK chi phí – chi trả lãi tiền vay
Có: TK tiền gửi ngoại tệ ở nước ngoài
3. Kế toán chi hoạt động ngoại hối
Các khoản chi phát sinh về hoạt động ngoại hối là những khoản chi trực tiếp cho nghiệp vụ này như chi về nhờ tiêu thụ ngoại tệ, phí dịch vụ thanh toán ngoại tệ, phí vận chuyển, đóng gói, chế tác vàng…
Khi phát sinh chi, kế toán sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước lập chứng từ, ghi:
Nợ: TK chi phí – chi về kinh doanh ngoại hối
Có: TK thích hợp (TK tiền mặt hoặc TK tiền gửi của người thụ hưởng)
Đối với khoản lỗ về kinh doanh ngoại tệ (được xác định theo công thức như phần lãi về kinh doanh ngoại tệ nhưng kết quả âm) và lỗ về kinh doanh vàng (dư Nợ tài khoản “tiêu thụ vàng” – TK 485) được hạch toán vào tài khoản chi phí trong định kỳ kế toán.
– Đối với lỗ kinh doanh ngoại tệ:
Nợ: TK chi phí – chi về kinh doanh ngoại hối
Có: TK Thanh toán, mua bán ngoại hối thuộc Quỹ Bình ổn tỷ giá và giá vàng (TK 483)
– Đối với lỗ kinh doanh vàng:
Nợ: TK chi phí – chi về kinh doanh ngoại hối
Có: TK tiêu thụ vàng (TK 485)
4. Kế toán chi hoạt động thị trường mở
Khoản chi này gồm chi phí về nghiệp vụ thị trường mở, khoản chênh lệch giữa giá mua chứng khoán nhỏ hơn số tiền thu về bán chứng khoán.
Khi phát sinh chi, kế toán lập chứng từ, ghi:
Nợ: TK chi phí – chi về nghiệp vụ thị trường mở
Có: TK thích hợp (TK tiền mặt hoặc TK thích hợp khác)
Trường hợp lỗ khi bán chứng khoán:
Nợ TK Tiền mặt hoặc TK thích hợp khác
Nợ TK chi phí – chi về nghiệp vụ thị trường mở (chênh lệch giá mua lớn hơn giá bán)
có TK 2211 – Mua bán chứng khoán Chính phủ
hoặc Có TK 222- Mua bán lại tín phiếu NHNN
5. Kế toán chi đầu tư phát triển kỹ thuật nghiệp vụ và công nghệ ngân hàng
Theo chế độ tài chính của Ngân hàng Nhà nước, hàng năm Ngân hàng Nhà nước được hạch toán vào chi phí bằng 12% tổng giá trị TSCĐ bình quân trong năm để làm nguồn vốn đầu tư phát triển kỹ thuật nghiệp vụ và công nghệ ngân hàng. Số vốn này được quản lý tập trung tại Ngân hàng Nhà nước (Vụ kế toán –tài chính) để sử dụng chung trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước:
Số tiền chi lập quỹ = Tổng giá trị TSCĐ bình quân năm x 10%
Sau khi tính toán được số tiền phải chi kế toán lập chứng từ, ghi:
Nợ: TK chi phí – chi đầu tư phát triển kỹ thuật nghiệp vụ và công nghệ ngân hàng
Có: TK vốn đầu tư XDCB mua sắm TSCĐ (TK 602)
Việc sử dụng khoản vốn này phải theo đúng quy định của chế độ đầu tư XDCB mua sắm TSCĐ.
6. Kế toán chi lập dự phòng rủi ro
Khoản chi này được trích bằng 10% chênh lệch giữa tổng thu trong năm trừ (-) tổng chi trong năm chưa bao gồm chi dự phòng rủi ro.
Căn cứ vào số tiền tính toán được, kế toán lập chứng từ, ghi:
Nợ: TK chi phí – chi trích lập dự phòng rủi ro
Có: TK khoản dự phòng rủi ro (TK 622)
7. Kế toán các khoản chi khác
Ngoài các khoản chi phí đã trình bày trên, các khoản chi phí còn lại đều có chung phương pháp hạch toán. Khi phát sinh chi, kế toán lập chứng từ,ghi:
Nợ: TK chi phí – tiểu khoản theo nội dung chi
Có: TK thích hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét