Tài khoản này dùng để phản ánh số chênh lệch do đánh giá lại tài sản hiện có và có tình hình xử lý số chênh lệch đó ở doanh nghiệp.
HẠCH TOÁN TÀI KHOẢN NÀY CẦN TÔN TRỌNG MỘT SỐ QUI ĐỊNH SAU
1. Tài sản được đánh giá lại chủ yếu là TSCĐ, bất động sản đầu tư, một số trường hợp có thể và cần thiết đánh giá lại vật tư, công cụ, dụng cụ, thành phẩm, hàng hoá, sản phẩm dở dang,…
2. Chênh lệch đánh giá lại tài sản được phản ánh vào tài khoản này trong các trường hợp sau: – Khi có quyết định của Nhà nước về đánh giá lại tài sản; – Khi thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước; – Các trường hợp khác theo qui định (như khi chuyển đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp,…)
3. Tài khoản này không phản ánh số chênh lệch đánh giá lại khi đưa tài sản đi góp vốn liên kết, liên doanh hoặc đầu tư vào công ty con, khoản chênh lệch đánh giá lại trong các trường hợp này được phản ánh vào Tài khoản 711- “Thu nhập khác” (nếu lãi) hoặc Tài khoản 811- “Chi phí khác” (nếu lỗ).
4. Giá trị tài sản được xác định lại trên cơ sở Bảng giá Nhà nước qui định hoặc Hội đồng định giá tài sản thống nhất xác định.
5. Số chênh lệch do đánh giá lại tài sản được hạch toán và xử lý theo chính sách tài chính hiện hành.
KẾT CẤU VÀ NỘI DUNG PHẢN ÁNH CỦA TÀI KHOẢN 412- CHÊNH LỆCH ĐÁNH GIÁ LẠI TÀI SẢN
Bên Nợ:
– Số chênh lệch giảm do đánh giá lại tài sản;
– Xử lý số chênh lệch tăng do đánh giá lại tài sản.
Bên Có:
– Số chênh lệch tăng do đánh giá lại tài sản;
– Xử lý số chênh lệch giảm do đánh giá lại tài sản.
Tài khoản 412 – Chênh lệch đánh giá lại tài sản, có thể có số dư bên Nợ hoặc số dư bên Có:
Số dư bên Nợ:
Số chênh lệch giảm do đánh giá lại tài sản chưa được xử lý.
Số dư bên Có:
Số chênh lệch tăng do đánh giá lại tài sản chưa được xử lý.
PHƯƠNG PHÁP HẠCH TOÁN KẾ TOÁN MỘT SỐ NGHIỆP VỤ KẾ TOÁN CHỦ YẾU
1. Khi có quyết định của Nhà nước về đánh giá lại TSCĐ, bất động sản đầu tư, vật tư, hàng hoá,…hoặc định giá khi tiến hành cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tiến hành kiểm kê, đánh giá lại tài sản và phản ánh số chênh lệch do đánh giá lại tài sản vào sổ kế toán.
1.1. Đánh giá lại vật tư, hàng hoá:
– Nếu đánh giá lại cao hơn giá trị ghi sổ kế toán thì số chênh lệch tăng, ghi:
Nợ TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu
Nợ TK 153 – Công cụ, dụng cụ
Nợ TK 155 – Thành phẩm
Nợ TK 156 – Hàng hoá
Có TK 412 – Chênh lệch đánh giá lại tài sản.
– Nếu đánh giá lại thấp hơn giá trị ghi sổ kế toán thì số chênh lệch giảm, ghi:
Nợ TK 412 – Chênh lệch đánh giá lại tài sản
Có TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu
Có TK 153 – Công cụ, dụng cụ
Có TK 155 – Thành phẩm
Có TK 156 – Hàng hoá.
1.2. Đánh giá lại TSCĐ, bất động sản đầu tư:
– Căn cứ vào Bảng tổng hợp kết quả kiểm kê và đánh giá lại TSCĐ, bất động sản đầu tư:
+ Phần nguyên giá, giá trị còn lại, giá trị hao mòn điều chỉnh tăng, ghi:
Nợ TK 211 – TSCĐ hữu hình (Phần nguyên giá điều chỉnh tăng)
Nợ TK 213 – TSCĐ vô hình (Quyền sử dụng đất- Phần nguyên giá điều chỉnh tăng)
Nợ TK 217 – Bất động sản đầu tư (Phần nguyên giá điều chỉnh tăng)
Có TK 214 – Hao mòn TSCĐ (Phần giá trị hao mòn điều chỉnh tăng)
Có TK 412 – Chênh lệch đánh giá lại tài sản (Phần giá trị còn lại điều chỉnh tăng)
+ Phần nguyên giá, giá trị hao mòn, giá trị còn lại điều chỉnh giảm, ghi:
Nợ TK 412 – Chênh lệch đánh giá lại tài sản (Phần giá trị còn lại điều chỉnh giảm)
Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (Phần giá trị hao mòn điều chỉnh giảm)
Có TK 211 – TSCĐ hữu hình (Phần nguyên giá điều chỉnh giảm)
Có TK 213 – TSCĐ vô hình (Quyền sử dụng đất- Phần nguyên giá điều chỉnh giảm)
Có TK 217 – Bất động sản đầu tư (Phần nguyên giá điều chỉnh giảm).
2. Cuối năm tài chính xử lý chênh lệch đánh giá lại tài sản theo quyết định của cơ quan hoặc cấp có thẩm quyền:
– Nếu Tài khoản 412 có số dư bên Có, và quyết định bổ sung nguồn vốn kinh doanh, ghi:
Nợ TK 412 – Chênh lệch đánh giá lại tài sản
Có TK 411 – Nguồn vốn kinh doanh.
– Nếu Tài khoản 412 có số dư bên Nợ, và có quyết định ghi giảm nguồn vốn kinh doanh, ghi:
Nợ TK 411 – Nguồn vốn kinh doanh
Có TK 412 – Chênh lệch đánh giá lại tài sản.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét