Kế toán huy động vốn ngân hàng - Kiến thức về kế toán cho doanh nghiệp - Dịch vụ kế toán TPHCM - Bình Thạnh

Latest

Kế toán Bình Thạnh chuyên cung cấp các dịch vụ uy tín, chất lượng với mức giá cạnh tranh như: Dịch vụ báo cáo tài chính, dịch vụ tư vấn thuế, dịch vụ kế toán trưởng, dịch vụ đào tạo kế toán, dịch vụ báo cáo thuế, dịch vụ kế toán trọn gói, dịch vụ quyết toán thuế, thành lập doanh nghiệp, dịch vụ hoàn thuế. Chúng tôi sẽ giúp hỗ trợ các doanh nghiệp có thể phát triển một cách dễ dàng và nhanh chóng. Sử dụng dịch vụ của chúng tôi sẽ đảm bảo cho việc hoạt động của công ty được hiệu quả

BANNER 728X90

Thứ Tư, 17 tháng 1, 2018

Kế toán huy động vốn ngân hàng


1. Kế toán tiền gửi thanh toán


Sau khi tài khoản tiền gửi được thiết lập, chủ tài khoản sử dụng tài khoản của mình để nộp tiền, lĩnh tiền theo mục đích đã định.


1.1. Kế toán nhận tiền gửi


Có hai cách nộp tiền vào tài khoản là nộp bằng tiền mặt và nộp bằng chuyển khoản (thanh toán KDTM)


a. Kế toán nhận tiền gửi bằng tiền mặt:


Người gửi tiền lập giấy nộp tiền kèm tiền mặt nộp vào ngân hàng


Căn cứ vào chứng từ thu tiền mặt sau khi đã thu đủ tiền kế toán vào sổ chi tiết hoặc nhập dữ liệu vào máy tính.


Bút toán phản ảnh nhận tiền gửi bằng TM:


Nợ: TK tiền mặt (SH 1011)

Có: TK tiền gửi của người nộp (SH 4221.xx)


b. Kế toán nhận tiền gửi bằng chuyển khoản


Ngân hàng nhận tiền gửi bằng chuyển khoản trên cơ sở các chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt như: Bảng kê nộp séc chuyển khoản, séc bảo chi, bảng kê thanh toán thư tín dụng, lệnh chi (UNC), uỷ nhiệm thu. Căn cứ vào các chứng từ này kế toán kiểm soát và vào sổ kế toán chi tiết hoặc nhập dữ liệu vào máy tính.


Bút toán phản ảnh nhận tiền gửi bằng chuyển khoản:


Nợ: – TK tiền gửi của người chi trả (SH 4221.xx) (nếu thanh toán cùng ngân hàng).

– Hoặc TK thanh toán vốn giữa các ngân hàng (nếu thanh toán khác ngân hàng).

Có: – TK tiền gửi của người thụ hưởng (SH 4221.xx)


1.2. Kế toán chi trả tiền gửi thanh toán


a. Chi trả bằng tiền mặt


Chủ tài khoản phát hành séc tiền mặt gửi ngân hàng để lĩnh tiền mặt từ tài khoản thanh toán. Nhận séc kế toán kiểm soát tính hợp lệ, hợp pháp của chứng từ, kiểm soát số dư của tài khoản, hạn mức thấu chi (nếu áp dụng thấu chi tài khoản), vào sổ chi tiết hoặc nhập dữ liệu vào máy tính, làm thủ tục chi tiền cho người có tên ghi trên tờ séc.


Bút toán phản ảnh chi tiền mặt từ tài khoản thanh toán:


Nợ: TK tiền gửi thanh toán (SH 4221. xx)

Có: TK tiền mặt (SH1011)


b. Chi trả bằng chuyển khoản


Chủ tài khoản sử dụng các chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt như lệnh chi (uỷ nhiệm chi), séc chuyển khoản… để trích tài khoản của mình chuyển trả tiền cho người thụ hưởng.


Kế toán kiểm soát chứng từ, vào sổ tài khoản chi tiết hoặc nhập dữ liệu vào máy tính.


Bút toán phản ánh chi trả bằng chuyển khoản:


Nợ: – TK tiền gửi thanh toán của chủ tài khoản – người chi trả (SH 4221.xx)

Có: – TK tiền gửi thanh toán của người thụ hưởng (SH4221.xx) (nếu thanh toán cùng ngân hàng)

– Hoặc TK thanh toán vốn giữa các ngân hàng (nếu thanh toán khác ngân hàng).


Trường hợp chủ tài khoản trích tiền từ tài khoản tiền gửi thanh toán để chuyển đến một ngân hàng khác (thanh toán khác ngân hàng) thì ngân hàng thu lệ phí chuyển tiền và thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo số tiền chuyển:


+ Lệ phí chuyển tiền:

Lệ phí chuyển tiền thu theo tỉ lệ do từng hệ thống NHTM quy định.

+ Thuế GTGT

Là mức thuế (thuế xuất) áp dụng đối với loại hàng hoá dịch vụ chịu thuế GTGT do Bộ Tài chính quy định.


Ví dụ: Công ty A gửi tới ngân hàng lệnh chi số tiền 100 triệu đồng để trích tài khoản tiền gửi thanh toán trả tiền hàng cho một khách hàng có tài khoản tại Ngân hàng X. Tỷ lệ phí chuyển tiền là 0.05% (chưa gồm thuế GTGT), thuế GTGT là 10% trên số phí chuyển tiền.


Tính toán:

* Phí chuyển tiền Cty A phải trả ngân hàng

100T x 0.05% = 500.000đ

* Thuế GTGT phải nộp Ngân sách Nhà nước

500.000đ x 10% = 50.000đ

* Phí chuyển tiền + thuế VAT Cty A phải trả

500.000đ +50.000đ = 550.000đ

Hạch toán thu phí chuyển tiền của Công ty A

Kế toán lập chứng từ kiêm hoá đơn thuế GTGT, hạch toán:

Nợ: TK tiền gửi Cty A: 550.000đ

Có: TK thuế GTGT phải nộp (SH4531): 50.000đ

Có: TK thu nhập/phí chuyển tiền: 500.000đ


1.3. Kế toán trả lãi tài khoản tiền gửi thanh toán


Hàng tháng (vào ngày gần cuối tháng) kế toán tính và trả lãi các tài khoản tiền gửi thanh toán. Số lãi này được nhập vào TK của chủ tài khoản (lãi nhập gốc – lãi kép).


Phương pháp tính lãi: áp dụng phương pháp tính tích số theo công thức sau:



Việc tính lãi được tiến hành trên bảng kê số dư để tính tích số, bảng này kiểm chứng từ hạch toán thu lãi:


Mẫu bảng kê số dư tính lãi



Bảng kê số dư tính lãi do các TTV giữ tài khoản tiền gửi của khách hàng lập. Trường hợp đã áp dụng chương trình tính lãi thì bảng kê này do máy tính lập.


Bút toán phản ánh chi trả lãi tiền gửi:

Nợ: TK chi phí – chi trả lãi tiền gửi

Có: TK tiền gửi thanh toán của khách hàng


2. Kế toán tiền gửi có kì hạn


Đặc điểm của tài khoản tiền gửi có kì hạn là người gửi tiền chỉ được rút tiền khi khoản tiền gửi đã đến hạn trả, trường hợp vì lý do nào đó người giấy tờ có giá rút tiền ra trước hạn thì NH sẽ áp dụng chế tài như người giấy tờ có giá không được hưởng lãi, hoặc áp dụng mức lãi suất thấp do NH quy định. Trường hợp đến hạn rút tiền nhưng người gửi không đến rút tiền thì coi như gửi tiếp kì hạn mới.


2.1. Kế toán nhận tiền gửi


– Căn cứ vào giấy nộp tiền kế toán vào sổ chi tiết hoặc nhập dữ liệu vào máy tính. Hạch toán:


Nợ: – TK tiền mặt (SH 1011)

Có: – TK tiền gửi có kỳ hạn (SH 4222.xx)


– Khách hàng trích từ tài khoản tiền gửi không kì hạn chuyển sang tài khoản tiền gửi có kì hạn: Căn cứ uỷ nhiệm chi kế toán ghi:


Nợ: – TK tiền gửi không kì hạn (SH 4221.xx)

Có: – TK tiền gửi có kì hạn (SH 4222.xx)


2.2. Kế toán chi trả tiền gửi


Khác với tài khoản tiền gửi không kì hạn, khi khách hàng rút tiền ở tài khoản tiền gửi có kì hạn phải rút trọn số tiền của kì hạn.


– Khách hàng rút tiền bằng tiền mặt: Khách hàng lập giấy lĩnh tiền mặt, kế toán căn cứ giấy lĩnh tiền mặt ghi:


Nợ: – TK tiền gửi có kì hạn (SH 4222.xx)

Có: – TK tiền mặt (SH 1011)


– Cũng có thể khách hàng chuyển vào tài khoản tiền gửi không kì hạn: Trong trường hợp này khách hàng làm giấy đề nghị chuyển tiền từ TK tiền gửi có kì hạn sang tài khoản tiền gửi không kỳ hạn. Căn cứ vào giấy đề nghị của khách hàng kế toán lập chứng từ, hạch toán:


Nợ: – TK tiền gửi có kì hạn (SH 4222.xx)

Có: – TK tiền gửi không kì hạn (SH 4221.xx)


2.3. Kế toán trả lãi tiền gửi có kì hạn


Việc trả lãi tiền gửi có kì hạn cho người gửi tiền được thực hiện khi đáo hạn (trả cùng gốc). Tuy nhiên thực hiện nguyên tức cơ sở dồn tính thì hàng tháng tiến hành tính lãi và hạch toán số lãi đó vào tài khoản chi phí trả lãi đối ứng với TK “lãi phải trả cho tiền gửi”. Khi đáo hạn người gửi tiền rút gốc kế toán hạch toán trả lãi cho khách hàng từ tài khoản “lãi phải trả cho tiền gửi” tổng số tiền lãi.


Tính lãi tiền gửi có kỳ hạn áp dụng phương pháp lãi đơn (tính theo món).


Công thức tính lãi hàng tháng:


Tiền lãi = Số tiền gửi vào x lãi suất tiền gửi/tháng


Sau khi tính được số lãi phải trả, kế toán lập chứng từ, hạch toán:


Nợ: – TK chi phí trả lãi (tiểu khoản thích hợp)

Có: – TK lãi phải trả cho tiền gửi (SH 4911)


Khi khách hàng đến lĩnh lãi (cùng gốc) kế toán lập phiếu chi lãi, hạch toán:


Nợ: – TK lãi phải trả cho tiền gửi (SH 4911)

Có: – TK thích hợp (TK tiền mặt hay TK tiền gửi không kì hạn)


3. Kế toán tiền gửi tiết kiệm


3.1. Đặc điểm quy trình kế toán tiền gửi tiết kiệm


– Về thủ tục mở tài khoản tiền gửi tiết kiệm: Căn cứ để mở tài khoản tiền gửi tiết kiệm là chứng minh thư nhân dân của người gửi tiền. Đối với người nước ngoài sinh sống và hoạt động hợp pháp ở Việt Nam thì phải có hộ chiếu và thị thực có thời hạn hiệu lực còn lại dài hơn kì hạn gửi tiền. Sau khi kiểm soát các giấy tờ tuỳ thân cơ sở nhận tiền tiết kiệm sẽ mở cho người gửi tiền một tài khoản tiết kiệm thích hợp. Người gửi tiền đứng chủ tài khoản. Trường hợp có từ 2 người trở lên cùng sở hữu số tiền gửi thì đứng đồng chủ tài khoản. Chủ tài khoản phải đăng kí mẫu chữ kí tại cơ sở nhận tiền gửi và phải kí đúng mẫu chữ kí trên chứng từ kế toán mỗi khi có giao dịch gửi, rút tiền và các giao dịch thanh toán theo qui định.


– Chứng từ sử dụng: Ngoài giấy nộp tiền và lĩnh tiền còn sử dụng các loại chứng từ chuyên dùng:


+ Thẻ tiết kiệm: là chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu của chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm hoặc đồng sở hữu tiền gửi tiết kiệm về khoản tiền đã gửi tại tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm.


Thẻ tiết kiệm có thể có nhiều trang dùng cho loại tiết kiệm không kì hạn (gửi vào, rút ra nhiều lần) và có thể chỉ có 1 trang dùng loại tiết kiệm có kì hạn (gửi vào và rút ra 1 lần duy nhất).


Thẻ tiết kiệm do từng tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm thiết kế và in ấn cho phù hợp với từng tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm. Tuy nhiên trên thẻ tiết kiệm phải có đầy đủ các yếu tố chủ yếu: 1/ tên tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm; loại tiền (đồng Việt Nam hay ngoại tệ); số tiền; kì hạn gửi tiền; ngày gửi tiền; ngày đến hạn thanh toán (đối với tiền gửi tiết kiệm có kì hạn); lãi suất, phương thức trả lãi; thời điểm trả lãi; địa điểm thanh toán tiền gốc và lãi; 2/ Họ tên và địa chỉ của chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm; số chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu của chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm; 3/ số thẻ, con dấu, chữ kí của Tổng giám đốc (giám đốc) tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm hoặc người được tổng giám đốc (giáo đốc) uỷ quyền; chữ kí của giao dịch viên của tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm; 4/ và một số yếu tố khác.


– Phiếu lưu: là hình thức sổ tờ rời được lập ra theo thẻ tiết kiệm để lưu tại tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm với mục đích theo dõi tình hình giao dịch tiết kiệm của người gửi tiết kiệm. Trên phiếu lưu ngoài các yếu tố như thẻ tiết kiệm có có yếu tố mẫu chữ kí của người gửi tiên để nhân viên giao dịch tiết kiệm kiểm soát khi thanh toán tiền gửi tiết kiệm.


3.2. Quy trình kế toán tiền gửi tiết kiệm


a. Kế toán nhận tiền gửi tiết kiệm


– Lần đầu tiên gửi tiết kiệm người gửi tiền xuất trình chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu (đối với người nước ngoài), viết giấy nộp tiền và phiếu lưu, đăng kí mẫu chữ kí trên phiếu lưu sau đó trao giấy nộp tiền và phiếu lưu cho nhân viên giao dịch tiết kiệm, nộp tiền mặt cho bộ phận ngân quỹ.


Sau khi nhân viên giao dịch kiểm soát chứng từ và bộ phận ngân quỹ thu đủ tiền nhân viên giao dịch tiết kiệm lập thẻ tiết kiệm để trao cho người gửi tiền.


Về hạch toán, căn cứ vào chứng từ ghi:


Nợ: – TK tiền mặt (SH 1011)

Có: – TK tiết kiệm không kì hạn hoặc tài khoản tiết kiệm có kì hạn (4231-4232)


– Các lần gửi tiếp theo:


+ Đối với tiền gửi tiết kiệm không kì hạn: người gửi tiền viết giấy nộp tiền kèm thẻ tiết kiệm gửi cho nhân viên giao dịch tiết kiệm để nhân viên tiết kiệm nhập số tiền gửi tiếp vào thẻ tiết kiệm sau đó trả lại thẻ tiết kiệm cho người gửi tiền. Trường hợp này không phải lập thẻ tiết kiệm và phiếu lưu mới.


+ Đối với tiền gửi tiết kiệm có kì hạn: do loại tiết kiệm có kì hạn mở tài khoản theo từng kì hạn và mỗi thẻ tiết kiệm có kì hạn chỉ xác định 1 lần gửi và rút duy nhất nên người gửi tiền tiết kiệm có kì hạn gửi món mới thì xem như gửi lần đầu nên phải làm các thủ tục như gửi lần đầu tiên.


Về hạch toán gửi tiếp giống hạch toán gửi lần đầu.


b. Kế toán chi trả tiền gửi tiết kiệm


– Chi trả tiền gửi tiết kiệm không kì hạn: Người rút tiền viết giấy lĩnh tiền mặt kèm thẻ tiết kiệm và chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu gửi nhân viên giao dịch tiết kiệm. Nhân viên giao dịch kiểm soát chứng minh thư, thẻ tiết kiệm, giấy lĩnh tiền, chữ kí của người rút tiền so với chữ kí mẫu đã đăng kí trên phiếu lưu, nếu không có gì sai sót sẽ xử lí theo 2 trường hợp:


+ Nếu người gửi tiền chỉ rút 1 phần của số tiền trên thẻ tiết kiệm thì sau khi ghi số tiền rút ra vào thẻ tiết kiệm và phiếu lưu, rút số dư (số tiền còn lại) sẽ trả lại thẻ tiết kiệm cho người gửi để giao dịch tiếp.


+ Nếu người gửi tiền rút toàn bộ số tiền của thẻ tiết kiệm thì sau khi làm các thủ tục như trường hợp một nhân viên giao dịch sẽ thu hồi thẻ tiết kiệm từ người gửi để bảo quản cùng phiếu lưu.


Giấy lĩnh tiền mặt được chuyển cho bộ phận ngân quỹ để chi tiền cho người rút tiền. Nếu là chứng từ chuyển khoản thì được dùng làm căn cứ để hạch toán vào các tài khoản thích hợp.


– Chi trả tiền gửi tiết kiệm có kì hạn: Do tiết kiệm có kì hạn chỉ chi trả toàn bộ số tiền gửi một lần khi đáo hạn nên đến hạn trả người gửi tiền cũng làm các thủ tục như tiết kiệm không kì hạn để lĩnh toàn bộ số tiền của thẻ tiết kiệm: sau khi hoàn thành chi tiền cho người gửi thẻ tiết kiệm có kì hạn được giữ lại để bảo quản cùng phiếu lưu.


Bút toán phản ảnh chi trả tiền gửi tiết kiệm:


+ Chi trả bằng tiền mặt:

Nợ: – TK tiết kiệm không kì hạn hoặc tài khoản tiết kiệm có kì hạn (4231-4232)

Có: – TK tiền mặt (1011)


+ Chi trả bằng chuyển khoản:

Nợ: – TK tiết kiệm không kì hạn hoặc tài khoản tiết kiệm có kì hạn (4231-4232)

Có: – TK cho vay (nếu người gửi tiết kiệm trả nợ vay ngân hàng)

– Hoặc Tk tiền gửi thích hợp (nếu người gửi tiết kiệm trích TK tiết kiệm để chuyển sang TK khác của chính người gửi tiết kiệm)


c. Kế toán chi trả lãi tiền gửi tiết kiệm


– Chi trả lãi tiền gửi tiết kiệm không kì hạn:


Chi trả lãi tiền gửi tiết kiệm không kì hạn được thực hiện theo định kì tháng và áp dụng phương pháp tính lãi tính số tháng.

Ngày cuối tháng, nhân viên kế toán tiết kiệm tiến hành tính lãi cho tất cả các tài khoản tiết kiệm không kì hạn. Việc trả lãi được thực hiện bằng hai cách: hoặc là trả bằng tiền mặt trực tiếp cho người gửi tiền; hoặc là nhập vào tài khoản tiết kiệm của người gửi tiền (lãi nhập gốc).


+ Trả lãi bằng tiền mặt trực tiếp cho người gửi tiền: kế toán lập phiếu chi, hạch toán:

Nợ: – TK trả lãi tiền gửi (SH 801)

Có: – TK tiền mặt (SH 1011)


+ Trả lãi nhập gốc: dùng bảng kê tính lãi làm chứng từ, hạch toán:

Nợ: – TK trả lãi tiền gửi (SH 801)

Có: – TK tiết kiệm không kì hạn của người gửi tiền (SH 4231)


– Chi trả lãi tiền gửi tiết kiệm có kì hạn:


Chi trả lãi tiền gửi tiết kiệm có kì hạn được thực hiện khi khoản tiền gửi đáo hạn (trả lãi sau). Tuy nhiên do NHTM áp dụng nguyên tắc cơ sở dồn tính nên hàng tháng phải tính lãi trong kì để hạch toán số lãi này vào TK chi phí đối ứng với tài khoản “lãi phải trả”. Đến thời hạn trả lãi cho người gửi tiền sẽ trích từ tài khoản “lãi phải trả” để chi trả cho người gửi tiền cùng gốc.


+ Hàng tháng tính lãi, hạch toán:

Nợ: – TK trả lãi tiền gửi (SH 801)

Có: – TK lãi phải trả cho tiền gửi (SH 491)


+ Khi trả lãi cho người gửi tiền: Lập phiếu chi, hạch toán:

Nợ: – TK lãi phải trả cho tiền gửi (SH 491)

Có: – TK tiền mặt (SH 1011)


Trường hợp người gửi tiền lĩnh tiền trước hạn thì kế toán phải làm thủ tục để hoàn nhập sổ lãi hàng tháng đã hạch toán dự trả sau khi trừ số lãi người gửi tiết kiệm có kì hạn lĩnh trước hạn được hưởng theo quy định của NHTM nhận tiền gửi.


Bút toán chi lãi cho người gửi tiền lĩnh trước hạn:


Nợ: – TK lãi phải trả cho tiền gửi (SH 491)

Có: – TK tiền mặt (lĩnh bằng tiền mặt)


Bút toán hoàn nhập để giảm chi phí:


Nợ: – TK lãi phải trả cho tiền gửi (SH 491)

Có: – TK chi phí trả lãi


4. Kế toán phát hành giấy tờ có giá


Người mua giấy tờ có giá sau khi làm thủ tục nộp tiền vào ngân hàng phát hành giấy tờ có giá (có thể mua bằng tiền mặt hoặc mua bằng chuyển khoản) sẽ được nhận các loại giấy tờ có giá thích hợp từ ngân hàng phát hành.


Căn cứ vào chứng từ nộp tiền, kế toán ngân hàng phát hành giấy tờ có giá hạch toán theo các trường hợp:


4.1. Kế toán phát hành GTCG theo mệnh giá


a. Phản ảnh số tiền thu về phát hành GTCG theo mệnh giá


Nợ: – TK thích hợp (TK 1011 hoặc TK tiền gửi…)

Có: – TK mệnh giá GTCG (TK 431 hoặc 434)


b. Kế toán trả lãi phát hành GTCG theo mệnh giá:


– Nếu trả lãi GTCG theo định kỳ (tháng): số tiền trả lãi được hạch toán thẳng vào TK chi trả lãi phát hành GTCG (TK 803)


Nợ: – TK trả lãi phát hành GTCG (TK 803)

Có: – TK tiền mặt hoặc TK thích hợp khác


– Nếu trả lãi GTCG sau (trả lãi cùng gốc khi đáo hạn): trường hợp này từng định kỳ (tháng) NHTM phải tính số lãi dư trả trong kỳ để hạch toán vào tài khoản “lãi phải trả” về phát hành GTCG”, khi thanh toán GTCG sẽ trích từ tài khoản này chi trả lãi cùng gốc.


+ Định kỳ hạch toán dự trả lãi:


Nợ: – TK trả lãi phát hành GTCG (803)

Có: – TK lãi phải trả về phát hành GTCG (492)


+ Khi thanh toán GTCG hạch toán trả lãi cho khách hàng


Nợ: – TK lãi phải trả về phát hành GTCG (492)

Có: – TK tiền mặt hoặc TK thích hợp khác


Ngoài bút toán trả lãi còn có bút toán chi trả gốc


– Nếu trả lãi GTCG trước (trả lãi ngay khi phát hành GTCG) số tiền trả lãi trước được khấu trừ vào mệnh giá của GTCG và được hạch toán vào tài khoản “chi phí chờ phân bổ” sau đó được phân bổ vào tài khoản chi trả lãi theo từng định kỳ (tháng).


+ Tại thời điểm phát hành GTCG:


Nợ: – TK thích hợp (TK 1011 hoặc TK tiền gửi…): Số tiền thực thu (mệnh giá – lãi)

Nợ: – TK chi phí chờ phân bổ (TK 388): Tiền lãi

Có: – TK mệnh giá GTCG (TK 431/434): Mệnh giá GTCG


+ Định kì phân bổ lãi vào TK chi phí:


Nợ: – TK chi trả lãi phát hành GTCG (TK 803)

Có: – TK chi phí chờ phân bổ (TK 388)


c. Thanh toán GTCG:


Thanh toán GTCG được thực hiện khi GTCG đáo hạn. Sau khi làm các thủ tục thanh toán kế toán thu hồi các loại GTCG từ khách hàng. Căn cứ chứng từ hạch toán.


Nợ: – TK mệnh giá GTCG (Tk 431/434)

Có: – TK tiền mặt hoặc TK thích hợp khác)


4.2. Kế toán phát hành GTCG có chiết khấu


a. Phản ảnh số tiền thu về phát hành GTCG có chiết khấu


Khoản chiết khấu khách hàng được hưởng được khấu trừ vào mệnh giá của GTCG, như vậy khách hàng chỉ phải nộp tiền chênh lệch giữa mệnh giá GTCG và khoản chiết khấu.


Nợ: – TK thích hợp (TK 1011 hoặc TK tiền gửi…): số tiền thu về bán GTCG (mệnh giá – khoản chiết khấu)

Nợ: – TK chiết khấu GTCG (TK 432/435): số tiền chiết khấu

Có: – TK mệnh giá GTCG (TK 431/434): số tiền theo mệnh giá


b. Kế toán trả lãi phát hành GTCG và phân bổ khoản chiết khấu


– Nếu trả lãi GTCG theo định kỳ (tháng): việc trả lãi GTCG theo định kỳ được kết hợp với phân bổ khoản chiết khấu trong kỳ và được phản ảnh vào tài khoản “chi trả lãi phát hành GTCG”


Nợ: – TK lãi phải trả phát hành GTCG (TK 803): số tiền lãi + khoản chiết khấu phân bổ trong kỳ

Có: – TK tiền mặt hoặc TK thích hợp khác: số tiền lãi

Có: – TK chiết khấu GTCG (TK 432/435): số tiền phân bổ chiết khấu trong kỳ


– Nếu trả lãi GTCG sau (trả lãi khi thanh toán GTCG đáo hạn): từng định kỳ (tháng) phải hạch toán dự trả lãi trong kỳ cùng với phân bổ chiết khấu trong kỳ. Khi thanh toán GTCG sẽ trả lãi cho khách hàng cùng gốc.


+ Định kỳ hạch toán dự trả lãi và phân bổ chiết khấu:


Nợ: – TK trả lãi phát hành GTCG (TK 803): số tiền lãi + khoản chiết khấu phân bổ trong kỳ

Có: – TK lãi phải trả về phát hành GTCG (TK 492): số tiền lãi

Có: – TK chiết khấu GTCG (TK 432/435): số tiền phân bổ chiết khấu


Đến thời hạn thanh toán GTCG chi trả lãi cho khách hàng


Nợ: – TK lãi phải trả về phát hành GTCG (TK 492)

Có: – TK thích hợp (TK 1011 hoặc TK tiền gửi)


Ngoài bút toán chi trả lãi còn có bút toán chi trả gốc.


– Nếu trả lãi trước (trả lãi ngay khi phát hành GTCG có chiết khấu). Khoản lãi này cùng với khoản chiết khấu được khấu trừ vào mệnh giá GTCG, người mua GTCG chỉ phải nộp số tiền chênh lệch.


Số tiền trả lãi được hạch toán vào tài khoản “chi phí chờ phân bổ”, từng định kỳ sẽ phân bổ vào TK 803 cùng với khoản chiết khấu phân bổ trong kỳ.


+ Tại thời điểm phát hành GTCG


Nợ: – TK thích hợp (TK 1011 hoặc TK tiền gửi…): số tiền thực thu (mệnh giá – (tiền lãi + khoản chiết khấu)

Nợ: – TK chi phí chờ phân bổ (TK 388): số tiền lãi trả trước

Nợ: – TK chiết khấu GTCG (TK 432/435): số tiền chiết khấu

Có: – TK mệnh giá GTCG (TK 431/434): số tiền theo mệnh giá


+ Định kỳ (tháng) phân bổ lãi và khoản chiết khấu trong kỳ


Nợ: – TK chi trả lãi phát hành GTCG (TK 803): tổng số tiền phân bổ

Có: – TK chi phí chờ phân bổ (TK 388): số tiền lãi phân bổ

Có: – TK chiết khấu GTCG (TK 432/435): số tiền chiết khấu phân bổ


c. Kế toán thanh toán GTCG có chiết khấu khi đáo hạn


Thủ tục thanh toán và kế toán thanh toán GTCG có chiết khấu giống thanh toán GTCG phát hành theo mệnh giá – điểm c mục 4.1.


4.3. Kế toán phát hành GTCG có phụ trội


a. Phản ảnh số tiền thu về phát hành GTCG có phụ trội


Khoản phụ trội được người mua GTCG chấp nhận và phải nộp vào NH phát hành GTCG cùng mệnh giá GTCG ngay khi mua GTCG. Khoản phụ trội được hạch toán vào TK “phụ trội GTCG” và từng định kỳ được phân bổ dần để giảm chi phí đi vay (hạch toán vào bên Có TK 803).


Nợ: – TK thích hợp (TK 1011 hoặc TK tiền gửi…): Số tiền thu về bán GTCG (mệnh giá + khoản phụ trội)

Có: – TK phụ trội GTCG (TK 433/436): số tiền phụ trội

Có: – TK mệnh giá GTCG (TK 431/435): số tiền mệnh giá


b. Kế toán trả lãi và phân bổ khoản phụ trội


– Nếu trả lãi GTCG theo định kỳ (tháng): số tiền trả lãi trong kỳ được phản ảnh vào bên Nợ TK 803, khoản phân bổ phụ trội trong kỳ được phản ảnh vào bên Có TK 803 để giảm chi phí:


+ Trả lãi trong kỳ


Nợ: – TK trả lãi phát hành GTCG (TK 803)

Có: – TK tiền mặt hoặc TK thích hợp khác


+ Phân bổ khoản phụ trội trong kỳ


Nợ: – TK phụ trội GTCG (TK 433/436)

Có: – TK trả lãi phát hành GTCG (TK 803)


– Nếu trả lãi sau (trả lãi cùng gốc khi thanh toán GTCG): từng định kỳ phải tính và hạch toán dự trả lãi trong kỳ; đồng thời hạch toán phân bổ khoản phụ trội để giảm chi phí.


+ Kế toán dự trả lãi trong kỳ (tháng):


Nợ: – TK trả lãi phát hành GTCG (TK 803)

Có: – TK lãi phải trả về phát hành GTCG (TK 492)


+ Kế toán phân bổ khoản phụ trội trong kỳ:


Nợ: – TK phụ trội GTCG (TK 433/436)

Có: – TK trả lãi phát hành GTCG (TK 803)


+ Kế toán chi trả lãi cho khách hàng khi thanh toán GTCG


Nợ: – TK lãi phải trả về phát hành GTCG (TK 492)

Có: – TK thích hợp (TK 1011 hoặc TK thích hợp khác)


Cùng với bút toán trả lãi có thêm bút toán chi trả gốc


– Nếu trả lãi trước (trả lãi ngay khi phát hành GTCG)


Số tiền trả lãi trước được khấu trừ vào mệnh giá cộng (+) khoản phụ trội, người mua GTCG chỉ phải nộp phần chênh lệch. Số tiền lãi trả trước được hạch toán vào tài khoản “chi phí chờ phân bổ” để từng định kỳ phân bổ vào TK 803 cùng với phân bổ khoản phụ trội.


+ Kế toán tại thời điểm phát hành GTCG


Nợ: – TK thích hợp (TK 1011 hoặc TK tiền gửi…): tổng số tiền thực thu (mệnh giá + khoản phụ trội – lãi trả trước)

Nợ: – TK chi phí chờ phân bổ (TK 388): số tiền lãi

Có: – TK phụ trội GTCG (TK 433/438): số tiền phụ trội

Có: – TK mệnh giá GTCG (TK 431/434): mệnh giá GTCG


+ Kế toán phân bổ số lãi theo định kỳ vào TK chi phí


Nợ: – TK trả lãi phát hành GTCG (TK 803)

Có: – TK chi phí chờ phân bổ (TK 388)


+ Kế toán phân bổ khoản phụ trội trong kỳ:


Nợ: – TK phụ trội GTCG (TK 433/435)

Có: – TK trả lãi phát hành GTCG (TK 803)


c. Kế toán thanh toán GTCG có phụ trội


Thủ tục thanh toán và kế toán thanh toán GTCG có phụ trội giống thanh toán GTCG theo mệnh giá – Điểm c mục 4.1.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp

báo cáo thuế trọn gói Bình Thạnh