Chế độ dân chủ (democracy)
Chế độ dân chủ trở thành chế độ chính trị ở hầu hết các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới. Chế độ này có hai đặc trưng cơ bản sau:
– Quyền sở hữu tư nhân: chỉ khả năng sở hữu tài sản và làm giàu bằng tích lũy tư nhân. Tài sản ở đây là cả tài sản hữu hình, như đất đai, nhà cửa, và tài sản vô hình, như cổ phần, hợp đồng, bằng sáng chế, và các tài sản trí tuệ. Các chính phủ dân chủ xây dựng các bộ luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Cá nhân và các doanh nghiệp có quyền sở hữu, sử dụng, mua hoặc bán, và ủy nhiệm chúng cho bất kỳ ai họ muốn. Những quyền này là hết sức quan trọng vì chúng khuyến khích sự chủ động, tham vọng, và cấp tiến, cũng như tính cần kiệm và mong muốn làm giàu. Con người có xu hướng không có những phẩm chất này nếu họ không chắc chắn về việc mình có được kiểm soát tài sản và lợi nhuận sản sinh từ tài sản của mình hay không.
– Quyền lực có giới hạn của chính phủ: chính phủ nơi đây chỉ thực hiện một số chức năng thiết yếu cơ bản phục vụ cho lợi ích chung của nhân dân như bảo vệ quốc phòng, duy trì luật pháp và trật tự xã hội, quan hệ ngoại giao, xây dựng và bảo trì cơ sở hạ tầng như đường xá, trường học, và các công trình công cộng. Sự kiểm soát và can thiệp của chính phủ đối với các hoạt động kinh tế của cá nhân và các doanh nghiệp được giảm thiểu. Bằng cách cho phép quy luật thị trường chi phối hoạt động kinh tế, các nguồn tài nguyên được đảm bảo phân phối một cách có hiệu quả.
Dưới chế độ dân chủ, những mưu cầu của cá nhân và của các doanh nghiệp có thể không tương đồng với sự công bằng và công lý. Do mỗi người có khả năng và nguồn tài chính khác nhau, nên mỗi người có được mức độ thành đạt khác nhau, dẫn tới bất bình đẳng. Các nhà phê bình chủ nghĩa dân chủ thuần túy cho rằng khi vượt quá giới hạn bất bình đẳng, cần có sự can thiệp của chính phủ để bình đằng hóa sân chơi. Ở những nền dân chủ như Nhật Bản, Đức, Thụy Điển, quyền lợi và tự do dân chủ của cá nhân nằm trong lợi ích chung của đất nước chứ không tách rời. Mỗi xã hội sẽ cân bằng tự do cá nhân và mục tiêu lớn hơn của đất nước.
Hầu hết các chế độ dân chủ đều bao hàm một số yếu tố của xã hội chủ nghĩa, ví dụ như sự can thiệp của chính phủ vào hoạt động của các cá nhân và doanh nghiệp. Xu hướng xã hội chủ nghĩa nổi lên xuất phát từ việc lạm dụng hoặc những ngoại ứng xấu nảy sinh trong chế độ dân chủ thuần túy. Ví dụ, Nhật Bản đã phải rất nỗ lực trong việc duy trì trạng thái cân bằng cần thiết giữa dân chủ và xã hội. Vào những năm 1990, năng lực quản lý yếu kém cộng với khủng hoảng kinh tế đã đẩy hàng ngàn doanh nghiệp Nhật Bản vào tình trạng phá sản. Để duy trì công ăn việc làm và ổn định kinh tế, chính phủ Nhật Bản đã can thiệp và hỗ trợ rất nhiều ngân hàng và doanh nghiệp lớn, mà nếu trong chế độ dân chủ thuần túy, thì chắc chắn đã phá sản. Tuy nhiên những chính sách cứu trợ như vậy vô tình đã tạo nên sự thụ động trong nền kinh tế nước này và trì hoãn những cải tổ về cơ cấu cần thiết. Rất nhiều quốc gia, bao gồm cả Australia, Canada, và Hoa Kỳ, và một số quốc gia ở châu Âu, được cho là có chế độ chính trị hỗn hợp, đặc trưng bởi khu vực kinh tế tư nhân năng động và khu vực kinh tế nhà nước hùng mạnh(với sự điều tiết và kiểm soát nhất định của chính phủ).
Các từ khóa trọng tâm hoặc các thuật ngữ liên quan đến bài viết trên:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét