1.1. Khái niệm
Phương thức chuyển tiền là phương thức thanh toán do người chuyển tiền yêu cầu ngân hàng phục vụ mình chuyển một số tiền nhất định cho người thụ hưởng ở nước ngoài.
Thanh toán chuyển tiền là phương thức thanh toán đơn giản, thanh toán trực tiếp giữa người chuyển tiền và người thụ hưởng. Phương thức chuyển tiền chủ yếu để thanh toán phi mậu dịch và ngân hàng chỉ tham gia với vai trò trung gian chuyển tiền để hưởng hoa hồng, ngân hàng không bị ràng buộc gì trách nhiệm đối với người chuyển tiền và người thụ hưởng.
Cơ sở pháp lý của nghiệp vụ chuyển tiền là chế độ quản lý ngoại hối của từng quốc gia trong từng thời kỳ. Việc thực hiện chuyển tiền phải tuân thủ đúng các quy định trong chế độ quản lý ngoại hối.
Người chuyển tiền muốn chuyển tiền ra nước ngoài phải viết giấy uỷ nhiệm cho ngân hàng thực hiện việc chuyển tiền. Trên giấy uỷ nhiệm phải ghi rõ:
+ Tên, địa chỉ người hưởng lợi, số tài khoản nếu người hưởng lợi yêu cầu.
+ Số ngoại tệ ghi rõ bằng chữ và bằng số
+ Lý do chuyển tiền
+ Những yêu cầu khác
1.2. Quy trình thanh toán
Các bên tham gia:
+ Người phát lệnh chuyển tiền
+ Người hưởng lợi
+ Ngân hàng nhận thực hiện việc chuyển tiền (ngân hàng chuyển tiền)
+ Ngân hàng trả tiền (ngân hàng đại lý của ngân hàng chuyển tiền)
Trình tự tiến hành nghiệp vụ:
Ưu , nhược điểm của phương thức chuyển tiền
* Ưu điểm:Thanh toán đơn giản, dễ thực hiện . Đây là hình thức thanh toán đơn giản nhất trong các hình thức thanh toán.
* Nhược điểm:Việc chuyển tiền cho người thụ hưởng hoàn toàn phụ thuộc vào người chuyển tiền. Người chuyển tiền có thể không thực hiện chuyển tiền đúng theo các điều kiện thoả thuận với người thụ hưởng. Vì vậy khó đảm bảo quyền lợi cho người thụ hưởng do dễ nảy sinh việc chiếm dụng vốn.
Do nhược điểm kể trên, thực tế phương thức chuyển tiền thường được áp dụng để chuyển tiền kiều hối hoặc trong quan hệ thương mại khi nhà nhập khẩu và nhà xuất khẩu là bạn hàng lâu năm, tin cậy lẫn nhau.
1.3. Kế toán chuyển tiền ra nước ngoài (Tại NH chuyển tiền)
Nhận được yêu cầu chuyển tiền của người chuyển. Ngân hàng phải kiểm tra các yếu tố trên giấy yêu cầu chuyển tiền, khả năng thanh toán của người chuyển tiền. Nội dung chuyển tiền có phù hợp với quy chế quản lý ngoại hối không, nếu phù hợp ngân hàng tính phí chuyển tiền thuế giá trị gia tăng phải nộp, sau đó lập lệnh chuyển tiền theo yêu cầu của khách hàng chuyển đến ngân hàng phục vụ người thụ hưởng.
Hạch toán số tiền ngoại tệ khách hàng yêu cầu chuyển:
Nợ: TK tiền gửi ngoại tệ của khách hàng
Có: TK Tiền gửi ngoại tệ ở nước ngoài hoặc TK thích hợp
Hạch toán thu phí dịch vụ thanh toán, thường khách hàng nộp theo VND được quy đổi từ số phí phải nộp bằng ngoại tệ và tỷ giá mua trong ngày:
Nợ : TK 1011/ 4211- tiền gửi thanh toán: Phí bao gồm cả thuế GTGT
Có: TK Thu phí dịch vụ thanh toán : Phí không bao gồm thuế GTGT
Có: TK Thuế giá trị gia tăng phải nộp : Phần thuế GTGT phải nộp
Sau khi hoàn tất các thủ tục Ngân hàng chuyển tiền chuyển lệnh chuyển tiền cho ngân hàng đại lý của mình ở nước ngoài để chuyển tiền cho người nhận.
1.4. Kế toán nhận chuyển tiền từ nước ngoài đến (Tại NH đại lý)
Khi nhận các chứng từ chuyển tiền từ nước ngoài để chuyển tiền cho khách hàng tại ngân hàng của mình. Ngân hàng phải kiểm soát: Giấy báo chuyển tiền có hợp lệ hợp pháp không? Ngân hàng chuyển tiền là ngân hàng nào? Khách hàng thụ hưởng là tổ chức, cá nhân nào? và giải mã, kiểm tra kí hiệu mật.
+ Trường hợp người thụ hưởng có tài khoản ở ngân hàng, sau khi kiểm soát chứng từ, hạch toán:
Nợ: TK Tiền gửi ngoại tệ ở nước ngoài hoặc TK thích hợp: Tổng số tiền
Có: TK TG ngoại tệ của người thụ hưởng hoặc TK thích hợp: Tổng số tiền – phí
Có: TK Thu phí / ngoại tệ thích hợp ( TK trung gian): Phí không có thuế GTGT
Có: TK Thuế GTGT phải nộp/ ngoại tệ thích hợp (TK trung gian): thuế phải nộp
Lưu ý: Số tiền nhận và thanh toán cho khách hàng là ngoại tệ nên phí dịch vụ thanh toán tính toán được và phải thu của khách hàng cũng là ngoại tệ. Từng nghiệp vụ hoặc số tổng hợp trong ngày, đơn vị NH phải quy đổi ra VND theo tỷ giá mua của ngày phát sinh nghiệp vụ và thông qua các TK mua, bán ngoại tệ để hạch toán chính thức vào thu nhập, chi phí của NH bằng đơn vị tiền tệ VND. Những TK trung gian dùng để tập hợp thu nhập bằng ngoại tệ, thuế giá trị gia tăng phải nộp bằng ngoại tệ trong ngày đến cuối ngày phải được tất toán, số dư TK bằng không.
+ Trường hợp người thụ hưởng không có tài khoản tại ngân hàng, sau khi kiểm soát chứng từ sẽ hạch toán tiếp nhận chuyển tiền đến vào tài khoản chuyển tiền phải trả bằng ngoại tệ:
Nợ: TK Tiền gửi ngoại tệ ở nước ngoài hoặc TK thích hợp
Có: TK Chuyển tiền phải trả bằng ngoại tệ
Sau đó ngân hàng báo cho người thụ hưởng biết để đến nhận tiền. Khi người thụ hưởng đến nhận tiền ngân hàng kiểm tra giấy báo nhận tiền, chứng minh thư. Nếu đủ điều kiện thì xử lý trả tiền theo yêu cầu của người nhận và phù hợp với quy chế quản lý ngoại tệ hiện hành, hạch toán:
(1): Thanh toán số tiền khách hàng được hưởng
Nợ: TK Chuyển tiền phải trả bằng ngoại tệ
Có: TK Ngoại tệ tại quỹ hoặc TK thích hợp {Số tiền KH được hưởng (= số tiền nhận – phí)}
Nếu khách hàng có yêu cầu lĩnh bằng VND thì thông qua bút toán mua bán ngoại tệ để thanh toán tiền cho khách hàng.
(2): Thu phí dịch vụ thanh toán
Giả thiết, việc chuyển đổi ra VND khoản thu phí thanh toán ngoại tệ được thực hiện ngay ở từng nghiệp vụ, hạch toán như sau:
Nợ :TK Chuyển tiền phải trả bằng ngoại tệ
Có: TK 4711 Mua bán ngoại tệ kinh doanh (phí phải thu tính theo ngoại tệ)
Tính quy đổi ra VND = Số phí thu được theo ngoại tệ x tỷ giá mua, hạch toán:
Nợ : TK 4712 Thanh toán VND về mua bán ngoại tệ KD
Có : TK Thu dịch vụ thanh toán
Có : TK thuế giá trị gia tăng phải nộp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét